Lịch sử Thủ_Thừa

Sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ Thừa gắn liền với quá trình khai thác đất hoang, di dân xây dựng vùng kinh tế mới của tỉnh.

Khoảng đầu thế kỷ 19, một người tên là Mai Tự Thừa, quê ở làng Bình Cách, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), đến làng Bình Lương Tây, huyện Thuận An (nay thuộc thị trấn Thủ Thừa) để khai phá đất đai đang còn hoang hóa rất nhiều.

Đầu tiên, ông cất một căn nhà lá tại bờ nam kinh Trà Cú bên cạnh vàm Rạch Cây Gáo. Sau đó, ông khai khẩn bốn mẫu đất dọc theo kinh Trà Cú bắt đầu từ rạch Cây Gáo chạy về phía đông bắc (phần đất này hiện nay là nơi đóng trụ sở của UBND huyện Thủ Thừa).

Tên Thủ Thừa có thể bắt nguồn từ chính tên ông Mai Tự Thừa.

Thời Pháp, Thủ Thừa là quận của tỉnh Tân An được thành lập từ ngày 14 tháng 2 năm 1922, có 4 tổng: An Ninh Thượng với 4 làng, Hưng Long với 9 làng, Cửu Cư Thượng với 7 làng, Cửu Cư Hạ với 6 làng.

Ngày 20 tháng 11 năm 1952, tách tổng Cửu Cư Hạ để thành lập quận Tân Trụ, quận còn 3 tổng: An Ninh Thượng với 4 làng, Cửu Cư Thượng với 8 làng, Hưng Long với 4 làng.

Sau năm 1956, quận thuộc tỉnh Long An, gồm có 2 tổng: An Ninh Thượng với 5 xã, Cửu Cư Thượng với 4 xã (do cắt tổng Hưng Long về tỉnh Mộc Hóa mới thành lập khi đó).

Thời Việt Nam Cộng hoà, Thủ Thừa là quận của tỉnh Long An, gồm 2 tổng, 9 xã, quận lỵ ở Bình Phong Thạnh. Dân số năm 1965 là 48.212 người.

Sau năm 1975, Thủ Thừa là huyện của tỉnh Long An, gồm 8 xã: Bình Phong Thạnh, Hướng Thọ Phú, Khánh Hậu, Lợi Bình Nhơn, Long Ngãi Thuận, Mỹ An Phú, Mỹ Lạc Thạnh, Nhị Thành.

Ngày 11 tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 54-CP[1]. Theo đó, sáp nhập huyện Thủ Thừa với huyện Bến Lức thành huyện Bến Thủ.

Ngày 14 tháng 1 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 05-HĐBT[2]. Theo đó, chia lại huyện Bến Thủ thành hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa.

Huyện Thủ Thừa gồm thị trấn Thủ Thừa và 10 xã: Bình An, Bình Thạnh, Long Thạnh, Long Thuận, Mỹ An, Mỹ Lạc, Mỹ Phú, Mỹ Thạnh, Nhị Thành, Tân Thành.

Ngày 15 tháng 5 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2003/NĐ-CP[3]. Theo đó:

  • Thành lập xã Long Thành trên cơ sở 4.310,5 ha diện tích tự nhiên và 2.871 người của xã Long Thạnh
  • Thành lập xã Tân Lập trên cơ sở 3.780 ha diện tích tự nhiên và 2.696 người của xã Tân Thành.

Từ đó, huyện Thủ Thừa có thị trấn Thủ Thừa và 12 xã: Long Thành, Long Thạnh, Long Thuận, Tân Lập, Tân Thành, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Bình An, Mỹ An, Mỹ Phú, Bình Thạnh, Nhị Thành.

Ngày 17 tháng 12 năm 2019, sáp nhập xã Tân Lập và xã Long Thành thành xã Tân Long.[4]

Huyện Thủ Thừa có 1 thị trấn và 11 xã như hiện nay.